14/02/2024
Ngỗng sư tử có nguồn gốc từ vùng phía Bắc mà cụ thể là Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội. Mào của chúng là một khối thịt nhô lên ở trán, màu nâu đen giống như bờm sư tử. Mào con mái nhỏ hơn mào con trống. Cổ dài và to. Phần trên cổ có một vệt lông đen từ đầu đến thân, ở dưới có một yếm da thừa. Cánh, lưng, gốc đuôi và hai sườn màu xám đá. Lông ở ngực, bụng màu trắng phớt vàng đất. Mỏ và chân màu đen. Thân ngỗng có hình chữ nhật, ngực nở và sâu. Bụng phệ. Ngỗng sư tử có tính dữ tợn (ở con trống) nhất là những lúc cần tự vệ. Ngỗng trưởng thành con mái nặng từ 4 - 5 kg, con trống 6 - 8 kg. Đẻ 35 - 55 quả/mái/năm. Vỏ trứng màu trắng hơi xám xanh. Trứng nặng 130 - 150 g
Ngỗng sư tử là loại gia cầm có khả năng tăng trọng rất nhanh, chỉ sau 10 - 11 tuần nuôi, khối lượng cơ thể đã tăng gấp 40 - 45 lần so với khối lượng cơ thể lúc mới nở. Với ngỗng khi được nuôi bằng thức ăn hỗn hợp thì tốc độ lớn sẽ là kỷ lục, song nếu nguồn thức ăn chỉ là cỏ, rau xanh và các loại củ hạt do ngỗng tự tìm kiếm hoặc nông hộ chỉ cho ăn hạn chế thì ngỗng vẫn phát triển bình thường nhưng chậm hơn.
Ngỗng có thể sử dụng rất hiệu quả thức ăn xanh. Con ngỗng được ví như một cỗ máy xén cỏ, khả năng vặt cỏ của ngỗng tốt hơn bò, ngỗng có thể vặt tận gốc cây cỏ, cả phần củ rễ, ngỗng ăn tạp các loại cỏ và không chê cỏ non, cỏ già, cỏ dại từ cỏ tranh đến lục bình ngỗng đều ăn được cả. Ngỗng sư tử có khả năng chống bệnh tật cao, nuôi ko cần nguồn nước, to lớn hơn nhiều so với ngỗng trắng miền Nam, sử dụng thức ăn nghèo dinh dưỡng, thịt thơm ngon, thích nghi với điều kiện sinh thái của từng vùng