04/10/2024
𝐁𝐀̀𝐈 𝐕𝐈𝐄̂́𝐓 𝐆𝐈𝐎̛́𝐈 𝐓𝐇𝐈𝐄̣̂𝐔 𝐒𝐀́𝐂𝐇 “𝐂𝐇𝐈𝐄̂́𝐍 𝐁𝐈𝐍𝐇 𝐂𝐀̂̀𝐔 𝐕𝐎̂̀𝐍𝐆” (𝐋𝐀𝐒𝐊𝐀𝐑 𝐏𝐄𝐋𝐀𝐍𝐆𝐈)
"Chiến binh cầu vồng" là cuốn sách được viết bởi tác giả người Indonesia - Andrea Hirata. Đây là tác phẩm đầu tay của ông, được xuất bản vào năm 2005 và nhanh chóng trở thành hiện tượng văn học tại đất nước vạn đảo - Indonesia. Cuốn sách đã được dịch ra 26 thứ tiếng khác nhau, được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình và cả nhạc kịch. Vậy nên, “Chiến binh cầu vồng” không chỉ tạo sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở “quê nhà”, mà còn để lại tiếng vang lớn trên toàn thế giới.
Cuốn sách gồm 48 chương viết về cuộc sống của những con người sống dưới đáy xã hội tại hòn đảo Belitong (Indonesia). Ấy là cuộc sống bị sự đói nghèo bủa vây khiến những đứa trẻ thơ dại không được đến trường. Chúng phải lựa chọn giữa hai con đường: hoặc đi học hoặc kiếm tiền nuôi sống gia đình. Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng đám trẻ vẫn luôn khao khát được học tập mặc cho cung đường đến trường đầy rẫy những hiểm nguy. Mỗi ngày, chúng phải đạp xe 40km, vượt qua đầm cá sấu chết người, để đến trường Tiểu học Muhammadiyah. Kể cả khi máy xúc đe doạ đến ngôi trường, nó vẫn không thể dập tắt ngọn lửa ước mơ của những chiến binh.
Muhammadiyah tuy là ngôi trường nghèo nhất ở Belitong, nhưng lại là nơi che chở cho ước mơ của bao đứa trẻ. Soi sáng và thắp lên những mộng ước tươi đẹp ấy chính là thầy giáo Harfan và cô giáo trẻ Mus. Một người thầy "không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn và người dìu dắt tinh thần cho học sinh của mình". Thầy tựa giếng đong đầy tri thức, tưới mát cả vùng đất cằn cỗi, cả đời thầy sống cho lý tưởng cao đẹp. Một người cô chọn dạy học ở Muhammadiyah dẫu đó là ngôi trường tồi tàn và không được trả lương. Cô gái trẻ ấy luôn truyền lửa cho đám nhỏ mặc cho phải đấu tranh, chống lại cả “Vua thiếc”, cô vẫn hết mình với việc gieo mầm kiến thức. Giữa hiện thực đầy nghiệt ngã, thầy Harfan và cô Mus như người dẫn lối, soi sáng các em đến với chân trời của tri thức, mang lại tuổi thơ tuyệt đẹp cho những chiến binh.
Nhan đề "Chiến binh cầu vồng" được đặt dựa trên hình ảnh những đứa trẻ đứng dưới bầu trời sau cơn mưa, ngắm nhìn cầu vồng và mơ ước về một tương lai tươi sáng, rộng mở. Hình ảnh cầu vồng vì thế đã trở thành biểu tượng của niềm hy vọng và sự nỗ lực không ngừng, tựa như những giấc mơ mà các em luôn hướng tới, dù cho phải đối mặt với bao khó khăn và nghịch cảnh.
Andrea Hirata đã khéo léo miêu tả cuộc sống bình dị, tràn đầy tình yêu thương và khát vọng của người dân nghèo ở Belitong, chân chất và chân thực. Dẫu cho hiện thực đầy nghiệt ngã, hạt giống hi vọng luôn được gieo trồng nơi vùng đảo nghèo. Mặc tương lai như bầu trời rộng lớn, chẳng thể đoán được, tri thức vẫn là ngọn đuốc thắp sáng hoài bão và ước mơ. Như thầy Harfan quan niệm: "Kiến thức, là chân giá trị, và giáo dục là sự ca tụng Đấng Tạo Hoá". Giáo dục vẫn luôn là phép màu, ít nhất là khi con người đặt niềm tin vào phép màu ấy.